Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng tác động của việc tăng giá điện 3% đến người dân và doanh nghiệp rất nhỏ. Mức tăng trên thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương trước đó.

Từ tháng 11/2022, tiền điện gia đình nhà ông Mạnh (55 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) luôn ở mức xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng, cao điểm lên đến 1,4 triệu đồng. Mặt bằng hóa đơn tiền điện cao hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm, dù chưa vào cao điểm hè.

Ông Mạnh lý giải con trai mới lấy vợ, nhà có thêm người. Bên cạnh đó, hầu hết thiết bị trong nhà đều được chuyển sang sử dụng điện: bếp điện, máy sấy quần áo, nồi chiên không dầu…

Trước diễn biến giá điện tăng 3%, cộng với nền nhiệt hè năm nay được dự báo ở mức rất cao, ông Mạnh lo lắng giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, tiền điện mà gia đình ông (5 người lớn) phải trả có thể lên đến 3 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền điện phải đóng cao chưa từng có và sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi tiêu trong gia đình ông Mạnh.

Nội dung tiêu đề EVN trấn an: Tác động nhỏ

Giá điện tăng tác động đến tất cả hộ gia đình. Sự tác động là khác nhau, phụ thuộc vào thu nhập, chi tiêu, mức sử dụng điện… của mỗi nhà. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhìn nhận mức tăng giá điện 3% là không lớn nhưng vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới.

Trong khi đó, tại buổi trao đổi thông tin chiều 4/5, trước câu hỏi liên quan đến việc tăng giá điện tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp như thế nào, đại diện EVN cho biết mức tác động, theo tính toán của Tổng cục Thống kê là không lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,17%. Còn thực tế giá điện chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu nên tác động đến CPI rất nhỏ.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa thì phân tích mức tăng CPI thực tế ra sao, cao hay thấp hơn dự báo còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Giá điện tăng giữa cao điểm nắng nóng, ai chịu thiệt? - 1
(Đồ họa: Thủy Tiên).

Hiện nay, Việt Nam áp dụng biểu giá điện sinh hoạt thang 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Bên cạnh đó, những tháng nắng nóng, tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Tiền điện sắp tới của người dân tăng mạnh là điều không tránh khỏi.

“Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này”, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nói. Theo ông Thỏa, giải pháp quan trọng nhất là có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định bán lẻ điện theo hướng rút gọn.

Khách hàng nào chịu ảnh hưởng nhất?

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, hiện có khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp của EVN. Cơ cấu mua điện năm 2022 có thay đổi so với năm 2021. Khách hàng công nghiệp có 1,8 triệu khách hàng, 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp.

Ước tính sau chỉnh giá, hơn 1,82 triệu hộ khách hàng dùng điện sản xuất phải trả thêm 307.000 đồng/tháng. Khách sử dụng điện kinh doanh trả thêm 141.000 đồng/tháng; hành chính sự nghiệp khoảng 40.000 đồng/tháng.

Còn với biểu giá bán điện sinh hoạt mới, theo tính toán, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%). Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tương tự, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).

Lãnh đạo EVN: Tăng 3% vẫn còn thấp, phải tăng 17% mới bù được lỗ

Trao đổi bên lề buổi họp báo, ông Võ Quang Lâm cho biết với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì EVN mới cân đối được tài chính. Tập đoàn này cũng tiết lộ mức điều chỉnh tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

Việc tăng giá điện 3% có góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính cho tập đoàn này khi ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định vẫn không đủ bù lỗ.

Giá điện tăng giữa cao điểm nắng nóng, ai chịu thiệt? - 2
EVN đánh giá mức tăng giá điện 3% là thấp (Ảnh: EVN).

 Năm 2022, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.

Tổng cộng, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Về nguyên nhân tăng giá điện sau 4 năm, EVN lý giải chi phí nhiên liệu Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới, làm cho chi phí phát điện tăng theo.

Giá nhiên liệu thế giới tăng và tỷ giá biến động làm chi phí mua điện của EVN tăng cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan tác động vào chi phí sản xuất điện.

Cơ cấu chi phí mua điện năm 2022, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%. Cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện (than, khí) chiếm tỷ trọng cao dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

“Chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi”, EVN cho biết.

Nội dung: Văn Hưng

Theo dantri.com.vn