Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 16/9 về vấn đề an ninh nguồn nước.

Đối mặt nhiều thách thức

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung về Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Ông cho biết an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và những vấn đề quan trọng quốc gia. An ninh nguồn nước được hiểu là “khả năng người dân được tiếp cận đủ lượng nước với chất lượng có thể chấp nhận để duy trì sinh kế, đời sống con người và phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo việc chống lại ô nhiễm nguồn nước và các thảm họa liên quan đến nước; bảo tồn các hệ sinh thái”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung về Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Ảnh: Minh Phúc.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung về Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Ảnh: Minh Phúc.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước có nhiều quan điểm chỉ đạo, bố trí nguồn lực đầu tư để đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế do cả chủ quan và khách quan, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ chỉ chiếm 37%, từ bên ngoài lãnh thổ 63%, cùng với việc các quốc gia thượng nguồn đang gia tăng khai thác nguồn nước sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm, thiếu hụt phù sa và suy thoái nguồn nước.

Việt Nam có lượng mưa trung bình hàng năm lớn nhưng phân bổ không đều cả về không gian và thời gian, nếu chỉ xét lượng nước sản sinh trên lãnh thổ thì Việt Nam xếp vào nhóm quốc gia có nguy cơ cao mất an ninh nguồn nước (đứng thứ 26 trên 49 quốc gia thành viên ADB; thứ 9 trên 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á).

Không những thế, ô nhiễm nguồn nước hiện rất trầm trọng, ảnh hưởng đến cả nước mặt và nước ngầm. Dự báo tổng nhu cầu nước hàng năm sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đang dùng khoảng 101 tỷ m3, đến 2030 cần khoảng 110 tỷ m3, năm 2045 cần khoảng 130 tỷ m3, trong đó nông nghiệp là ngành sử dụng chính, chiếm khoảng 85%.

Hiệu quả sử dụng nước của Việt Nam so với thế giới thấp, tỷ lệ thất thoát nước còn cao (riêng trong cấp nước sinh hoạt tỷ lệ thất thoát vào khoảng 25%), giá trị đóng góp cho GDP thấp.

Mặc dù, chúng ta đã đầu tư nhiều để đảm bảo an toàn đập, đến nay cơ bản các hồ, đập có dung tích trên 3 triệu m3 đã đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu với mưa lũ cực đoan, nếu quy trình vận hành không phù hợp sẽ dẫn đến sự cố, thậm chí vỡ đập, sẽ gây ra thảm họa…

Đề án đưa ra 12 giải pháp, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp phi công trình và công trình bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời, Đề án cũng đưa ra các giải pháp cho 7 vùng kinh tế và các đảo có đông dân cư. Ngoài ra, kèm theo có danh sách các Chương trình, dự án để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/9. Ảnh: Minh Phúc.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/9. Ảnh: Minh Phúc.

Về nguồn vốn và lộ trình thực hiện, tổng hợp nhu cầu theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đến năm 2030 là 610.000 tỷ đồng, trong đó có phân chia theo ngân sách Trung ương, địa phương và vốn xã hội hóa.

Cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về an ninh nước

Thay mặt cơ quan thẩm tra Đề án, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, đề án được chuẩn bị tương đối công phu, đã thể chế được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc soạn thảo, xin ý kiến tiếp thu trong quá trình soạn thảo Đề án bám sát vào thực tiễn và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật.

Về nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021 – 2025 (ngân sách Trung ương là 80.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương, xã hội hoá là 168.000 tỷ đồng), để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tổng hợp đầy đủ kinh phí phân bổ tất cả các ngành, lĩnh vực và đối chiếu với các Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý để xác định tỷ lệ cơ cấu các nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai đề án.

Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần thiết ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về vấn đề này.

“Dự thảo nội dung Nghị quyết của Quốc hội chỉ nên thể hiện những nhận định khái quát về quan điểm, mục tiêu chung và một số nội dung, giải pháp chủ yếu; xác định rõ chủ thể trách nhiệm để tổ chức thực hiện… Ngoài ra cần xác định rõ những nhiệm vụ ưu tiên đầu tư để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, đồng bộ các quy định có liên quan”, ông Lê Quang Huy nói.

Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội để xem xét thông qua tại kỳ họp Thứ II, Quốc hội khoá XV.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Đây là Đề án rất quan trọng và rất xứng đáng để Quốc hội ra một Nghị quyết”. Bởi sau nhiều chục năm nữa chúng ta mới thấy nước là nguồn tài nguyên rất quý và hiếm (chỉ có 2% là nước ngọt, còn lại là nước mặn…).

“Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, và tôi rất nhất trí có một chương trình đầu tư công đến năm 2030 để tăng cường nguồn lực đảm bảo an ninh nguồn nước. Chương trình đầu tư công chúng tôi hình dung như một chương trình mục tiêu quốc gia, phải tầm cỡ như vậy”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Làm sao để trong 10 năm tới, chúng ta giải quyết được cơ bản vấn đề an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia.

Góp ý về mục tiêu chung của Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta không chỉ đảm bảo tuyệt đối các đập, hồ chứa nước quan trọng, mà phải đảm bảo tuyệt đối hơn 7.800 hồ đập và hơn 3.000 con sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên. Đồng thời phải bảo vệ nguồn sinh thuỷ, nguồn nước ngầm, nước mặt. Để bảo vệ nguồn sinh thuỷ, cần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng và có giải pháp tái sử dụng nước thải, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, chúng ta không chỉ hoàn thành sửa chữa những hồ đập hư hỏng, xuống cấp mà còn phải xây mới bổ sung một số hồ, nâng cấp các hồ nếu có điều kiện, ưu tiên đầu tư ở những vùng thiếu nước, vùng khô hạn.

Cần xin ý kiến Bộ Chính trị

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 16/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, nhất là Bộ NN-PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng Đề án An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Phúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Phúc.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “An ninh nước là vấn đề đại sự của quốc gia”. Tuy nhiên, ông vẫn còn băn khoăn về việc nên sử dụng từ “an ninh nguồn nước” hay “an ninh nước”. Bởi, nói đến “nguồn nước” là nói đến nguồn lực, còn nếu là “nước” thì sẽ là tài nguyên (tài nguyên nước). Do đó, cần nghiên cứu và sử dụng từ sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, vì trên thế giới chỉ có khái niệm về an ninh nước.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng, quan điểm về an ninh nước phải gắn với quản lý khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước để kinh tế hoá ngành tài nguyên. Vấn đề này đã được đề cập rất rõ nét từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần phải xác định rõ các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, chủ chốt, cấp bách trong Đề án an ninh nước. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, hiện nay chúng ta có 3.450 sông, suối chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 93 con sông xuyên biên giới. Khoảng 63% lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có 95% lượng nước từ bên ngoài chảy vào; còn sông Hồng là 40%, sông Mã 30%, sông Đồng Nai là 17%.

Như vậy, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, thì hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông là rất quan trọng. Ngày nay các quốc gia châu Âu rất quan tâm đến việc tham gia hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông. Khi các quốc gia xây đập trên thượng nguồn, lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long bị giảm đi, chất lượng nước giảm đi, phù sa giảm đi, thuỷ sinh thì cạn kiệt.

Một vấn đề nữa được Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo Đề án, đó là phải coi trọng các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến tài nguyên nước. Bởi, nhiều người dân vẫn tưởng rằng Việt Nam dồi dào nguồn nước, vì lượng mưa trên lãnh thổ thuộc loại cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2.230m3/năm, trong khi bình quân của thế giới là 4.000m3/người/năm. Đặc biệt, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu rõ, phải nâng cao nhận thức và hành động trong bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các cộng đồng dân cư, các nhóm đối tượng khác nhau; huy động sự tham gia tích cực thường xuyên của cộng đồng, các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, do an ninh nước là vấn đề đại sự, do đó Chính phủ cần phải báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo, định hướng lớn để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội. Bởi, Đề án này có tầm nhìn đến năm 2045, bao hàm những vần đề chuyên ngành rất sâu. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội sẽ triển khai thực hiện.

MINH PHÚC

(nongnghiep.vn)