Tuần trước, Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai có bài phát biểu về ‘cách tiếp cận mới’ của chính quyền Biden đối với mối quan hệ Mỹ-Trung.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang vào năm 2018 (Ảnh minh họa).
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang vào năm 2018 (Ảnh minh họa).

Tai cho biết bà có kế hoạch thảo luận với Trung Quốc về các cam kết của họ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm ngoái, mặc dù chỉ đưa ra một số chi tiết.

“Chúng tôi sẽ sử dụng đầy đủ các công cụ đang có và phát triển các công cụ mới khi cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế Mỹ khỏi các chính sách cũng như thực tiễn có hại”, bà nói.

Dan Sumner, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học California, Davis, phân tích: “Bà ấy rất cẩn thận khi không nói gì”.

Theo Sumner, các bình luận của bà Tai có nghĩa là sẽ không có thay đổi đáng kể nào so với chính sách thương mại trong suốt chín tháng qua, “không có gì thay đổi so với Trump”.

Thỏa thuận giai đoạn 1 đã làm chậm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang vào năm 2018, khi chính quyền Trump bắt đầu áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc đối với những gì mà Mỹ coi là hành vi thương mại không công bằng.

Trung Quốc sau đó đánh thuế trả đũa nhắm vào gần như tất cả các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp của California như các loại hạt, trái cây và rượu vang.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua hàng năm ít nhất 40 tỷ USD thực phẩm và nông sản của Mỹ, nhưng các mức thuế trả đũa vẫn được áp dụng.

“Thật đáng buồn là chính quyền đã bỏ lỡ một cơ hội thực sự để thiết lập lại chính sách thương mại nông sản và các chính sách thương mại khác”, Sumner nói.

Elizabeth Carranza, Giám đốc thương mại của Ủy ban Việt quất California, cho biết các chủ hàng ở đây cho đến nay vẫn chưa bán bất kỳ loại quả mọng nào cho Trung Quốc. Họ vẫn đang phải cạnh tranh với các nhà sản xuất từ ​​Argentina, Canada và Mexico có mức thuế 30% và các nhà cung cấp từ Chile và Peru không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.

“Đó không phải là một sân chơi bình đẳng”, Carranza nhấn mạnh.

Caroline Stringer, Giám đốc thương mại của Hiệp hội Trái cây tươi California, cho biết nhận xét của bà Tai thừa nhận rằng không phải tất cả các mặt hàng nông sản của Mỹ đều được hưởng lợi từ thỏa thuận Giai đoạn 1.

Stringer cho biết, trái cây ở California tiếp tục phải đối mặt với mức thuế cao hơn, đồng thời phải cạnh tranh với trái cây của Trung Quốc và sản phẩm từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn hoặc không bị áp thuế. Bà cho biết do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn đến khối lượng xuất khẩu thấp hơn dự kiến.

Thỏa thuận Giai đoạn 1 cũng cấp quyền tiếp cận thị trường cho quả việt quất của Hoa Kỳ, nhưng việc tiếp cận đó đi kèm với mức thuế tiêu chuẩn là 30%, cộng với mức thuế trả đũa khác 45%.

Vì công việc này sẽ mất thời gian, Stringer cho biết các quan chức chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các thị trường khác, điều được bà ví von là “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Stringer cho biết Hiệp hội tiếp tục thúc ép Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xúc tiến các cuộc đàm phán để giành quyền tiếp cận thị trường cho quả có hạt của California ở Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch thực vật còn tồn tại sang Nhật Bản.

Trong năm 2020, bất chấp các mức thuế trả đũa, gián đoạn vận chuyển và những thách thức khác liên quan đến đại dịch, các chủ hàng hạnh nhân ở California đã có một năm xuất khẩu kỷ lục.

Keith Schneller, chuyên gia chính sách thương mại của Almond Board of California, cho biết do Trung Quốc đã thiết lập một quy trình loại trừ một số mức thuế trả đũa của họ, các lô hàng trực tiếp đến Trung Quốc đại lục thực sự đang tăng lên, mặc dù tổng lượng hàng đến Hồng Kông thì giảm.

Schneller cho biết khi nghe bà Tai đưa ra kế hoạch nối lại đối thoại với Trung Quốc về các cam kết của nước này theo thỏa thuận Giai đoạn 1, ông trông chờ thuế quan có thể trở lại mức trước chiến tranh thương mại.

Mặc dù Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu mua hàng theo thỏa thuận vào cuối năm 2021, nhưng Schneller tin rằng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang thị trường tỷ dân trong năm nay sẽ vẫn đạt mức kỷ lục.

Trong khi đó, nông sản California tiếp tục tìm kiếm các cơ hội thị trường khác trên toàn cầu, chẳng hạn hiện Ấn Độ đã trở thành điểm đến xuất khẩu hàng đầu cho hạt hạnh nhân California. Loại hạt này cũng đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu số 2 của Hoa Kỳ sang Liên minh châu Âu, sau đậu tương.

Đối với gạo California, thâm nhập vào thị trường Trung Quốc là một quá trình lâu dài, Jim Morris của Ủy ban Gạo California cho biết. Cho tới nay, chỉ có hai lô hàng gạo thương mại của Hoa Kỳ được bán ở đó.

Sumner cho biết chính quyền Biden có thể sẽ không theo đuổi bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTTP, trước đây gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Trump đã rút khỏi TPP vào năm 2017.

“TPP chắc chắn vẫn còn khả thi”, Sumner phân tích. “Đáng lẽ tham gia đàm phán sẽ tốt hơn nhiều, nhưng bây giờ chỉ cần tham gia”.

Về vấn đề này, Sumner thông tin hiện tại Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, chính quyền Mỹ bày tỏ sẵn sàng xem xét việc tham gia hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia nếu các tiêu chuẩn về lao động và môi trường của nước này có thể được cập nhật.

Sumner cho biết Hoa Kỳ có thể sử dụng nỗ lực tập thể của các nước thành viên WTO để gây áp lực với Trung Quốc và những nước khác, nhưng việc Hoa Kỳ không đề cử ứng cử viên trong cơ quan phúc thẩm của WTO là “một sai lầm nghiêm trọng”, vì điều đó biến WTO thành “một tòa án không có thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn.”

“Đối với nông nghiệp California”, ông nhắc lại, “việc có một WTO hiệu quả thực sự quan trọng để giữ các chính phủ thực hiện lời hứa mở cửa thị trường.”

Hương Lan

(Theo IVPress)